Theo USA Today, sau khi phân tích các mẫu vi nhựa tự nhiên trong 14 tháng tại 11 vườn quốc gia và khu bảo tồn thuộc nhiều bang ở miền trung và miền tây nước Mỹ, nhóm nghiên cứu từ Đại học Utah (Mỹ) cho biết trung bình hằng năm lượng vi nhựa rơi xuống mặt đất từ các cơn mưa vượt quá 1.000 tấn, tương đương 120 - 300 triệu chai nước nhựa.
Giáo sư Janice Brahney - Đại học Utah, trưởng nhóm nghiên cứu - cho biết thông thường các sản phẩm nhựa sau khi vứt đi không phân hủy hoàn toàn mà lần lượt vỡ thành những hạt nhựa nhỏ.
Một số loại siêu nhỏ đến mức chỉ có thể nhìn thấy dưới kính hiển vi khi phóng đại gấp 20 lần. Những hạt vi này theo gió đi khắp nơi, đến khi gặp mưa lại được đưa trở về mặt đất.
Nhóm cho biết thêm vi nhựa có mặt trong 98% số mẫu kiểm tra từ các khu bảo tồn thiên nhiên ở Mỹ, trong đó phần lớn là loại vi nhựa có nguồn gốc từ quần áo, kế đó là chai nhựa, đồ gia dụng,…
"Thật bất ngờ khi vi nhựa xuất hiện cả ở những nơi môi trường được bảo vệ tốt nhất", giáo sư Janice Brahney nói.
Các hạt vi nhựa khi phân tích dưới kính hiển vi - Ảnh: Đại học Utah
Trước đó vào năm 2019, Cơ quan Khảo sát địa chất Mỹ (USGS) trong quá trình phân tích các mẫu nước mưa đánh giá ô nhiễm nitơ cũng phát hiện hơn 90% mẫu nước này nhiễm nhựa. Hạt vi nhựa thậm chí xuất hiện ở những vùng nông thôn hẻo lánh đến cả những khu núi cao đến 3.000m.
Theo giáo sư Gregory Weatherbee - từ USGS, trưởng nhóm nghiên cứu - quan trọng nhất là cần cho mọi người thật sự cảm nhận được số lượng vi nhựa khổng lồ ngoài tự nhiên có cả trong mưa, tuyết...
"Nhựa là vấn đề quan trọng toàn cầu hiện nay. Riêng vi nhựa không chỉ ảnh hưởng đến một quốc gia mà có thể đi nhiều nơi, để lại ảnh hưởng lâu dài", GS Gregory Weatherbee chia sẻ. "Do đó, cần khẩn cấp giảm lượng nhựa tiêu dùng trên thế giới, thay thế bằng những vật liệu dễ phân hủy hơn".
Nghiên cứu đăng trên tạp chí khoa học Science.