Sáng 18/8, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên (BCĐ TWPCTT) tổ chức cuộc họp về ứng phó với áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) và mưa lũ lớn đang diễn ra ở phía Bắc Việt Nam.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp phát biểu tại cuộc họp BCĐ TWPCTT sáng 18/8
Cao điểm mưa lớn diễn ra trong ngày 20 và 21/8
Nhận định tình hình mưa lũ và áp thấp nhiệt đới mạnh lên thành bão số 4 trên biển Đông, ông Hoàng Phúc Lâm, Phó giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng thuỷ văn quốc gia cho biết, mối lo ngại từ nay đến ngày 19/8 là mưa lớn tại khu vực Bắc Bộ dịch về phía Tây trọng tâm là khu vực Việt Bắc, Tây Bắc; trong đó tập trung các tỉnh Hà Giang, Lào Cai, Yên Bái, Tuyên Quang, Điện Biên, Lai Châu.
Ông Lâm dự báo, trong ngày và đêm 19/8, ở Bắc Bộ có mưa to, cơ nơi mưa rất to và dông (lượng mưa 50-100mm/24h); riêng Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang, Tuyên Quang, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Quảng Ninh, Hải Phòng có nơi trên 150mm/24h.
“Từ ngày 20/8 đến ngày 22/8, ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có khả năng xuất hiện một đợt mưa to đến rất to diện rộng; trong đó cao điểm mưa lớn tại phía Bắc là hai ngày 20 và 21/8”, ông Lâm cảnh báo và lưu ý, ngoài tình hình mưa trên đất liền, cơn bão số 4 đã hình thành trên khu vực biển Đông khả năng cao đi vào phía Nam tỉnh Quảng Đông – Quảng Tây, ảnh hưởng đến nước ta chủ yếu là mưa lớn.
Nhận định về thuỷ văn, ông Lâm cho hay, trên các sông suối khu vực thượng lưu sông Hồng – Thái Bình sẽ xuất hiện một đợt lũ với biên độ lũ lên ở thượng lưu từ 3-6m, hạ lưu từ 2-3m. Trong đợt lũ này, đỉnh lũ trên thượng lưu sông Thao, sông Lô, sông Chảy có khả năng lên mức BĐ2 – BĐ3, thượng lưu sông Chảy và các sông suối nhỏ lên mức BĐ3 và trên mức BĐ3.
Ông Hoàng Phúc Lâm, Phó giám đốc Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia báo cáo tại cuộc họp
Nguy cơ cao xảy ra lũ quét và sạt lở đất ở nhiều tỉnh miền núi khu vực Bắc Bộ, đặc biệt là các tỉnh: Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang, Tuyên Quang, Cao Bằng, Bắc Kạn.
Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia cảnh báo nguy cơ ngập úng cục bộ tại các vùng trũng, thấp, các khu vực đô thị, các tỉnh và thành phố như: Hà Nội, Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang, Thái Nguyên, Lai Châu, TP Việt Trì…
Nước đổ về hồ Sơn La có thể lên tới 8000m3/s
Ông Trần Quang Hoài – Phó trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương Phòng, chống thiên tai, cho biết: Hiện nay, đang là thời kỳ lũ chính vụ ở miền Bắc. Hồ Sơn La chỉ được tích nước đến cao trình 197,3m, tuy nhiên, mực nước ở hồ Sơn La chỉ cách cao trình xả tràn dưới 1m.
Theo số liệu đo đạc, hiện nay mực nước đến hồ Sơn La khoảng 5.230m3/s và trong khi lưu lượng nước xả ra để phát điện khoảng 3.286m3/s (như vậy hồ Sơn La sẽ giữ lại khoảng 2.000m3/s.
Liên quan vấn đề này, ông Hoàng Phúc Lâm – Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, cho biết, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 4 gây mưa lớn, đến ngày 21/8 lượng nước từ thượng nguồn đổ về hồ Sơn La có thể lên tới 8.000m3/s. Theo kịch bản trên, mực nước hồ Sơn La sẽ nhanh chóng dâng lên ngưỡng tràn xả lũ.
Ứng phó với tổ hợp 3 yếu tố bất lợi
Phát biểu kết luận tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết, từ nay đến ngày 23/8, miền Bắc nước ta gặp tổ hợp thời tiết vô cùng bất lợi, đặc biệt là khu vực Tây Bắc và Việt Bắc. Trước hết, mưa lớn đã xảy ra tại các tỉnh phía Bắc trong suốt một tuần qua, có nơi đo được lượng mưa lên tới 500mm/24h, và bước đầu đã có những thiệt hại đến nay là 3 người chết, 14 người bị thương và gây nhiều thiệt hại về tài sản.
Theo nhận định, bão số 4 có thể đổ bộ hoặc không đổ bộ vào Việt Nam nhưng chắc chắn sẽ gây mưa rất to ở các tỉnh miền núi phía Bắc. Thường những cơn bão như vậy quét qua khu vực biên giới Việt Nam – Trung Quốc sẽ có mưa đặc biệt to. Thêm vào đó, ảnh hưởng của động đất là dư chấn của những trận động đất từ trước song cũng là một yếu tố bất lợi cần quan tâm.
Về chỉ đạo, điều hành, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp cho hay, hiện nay Ban Chỉ đạo TWPCTT quan tâm đến hai vấn đề lớn là hệ thống thuỷ điện sông Đà, trong đó trọng tâm là hồ Sơn La. Trong ngày hôm nay (18/8), Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường sẽ trực tiếp làm việc với các đơn vị nghiên cứu, tư vấn, Tổng cục PCTT để có các quyết định đảm bảo linh hoạt, an toàn cho hạ du.
Trận mưa lớn gây ngập nặng các tuyến đường ở tỉnh Yên Bái. Ảnh: Báo Yên Bái
Nhấn mạnh trong quy trình vận hành lũ, sau thời điểm lũ chính vụ còn lũ muộn, Thứ trưởng đề nghị tập trung công tác dự báo lũ muộn để có những tính toán sớm phục vụ chỉ đạo, vận hành an toàn, linh hoạt, đảm bảo nhu cầu tích nước, xả lũ.
“Cần đảm bảo an toàn cho nhà máy thuỷ điện, hạ du; đồng thời tranh thủ tính toán tích được nhiều nước nhất có thể để phục vụ cho phát điện và sản xuất”, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp nói.
Với cơn bão số 4, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết, theo nhận định khả năng có thể đổ bộ vào một số tỉnh nước ta, gió không lớn mà chủ yếu gây mưa. Thứ trưởng đề nghị các tỉnh miền núi phía Bắc đề phòng nguy cơ lũ ống, lũ quét, sạt lở.
“Hiện nay đất đã ngập nước, thêm đợt mưa này nguy cơ sạt lở ở các tỉnh miền núi phía Bắc là hiện hữu. Hiện những địa điểm có nguy cơ sạt lở đã được dự báo, phải làm sao để tuyên truyền thông tin và hướng dẫn bà con di dời”, Thứ trưởng lưu ý.
Bên cạnh đó, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp yêu cầu các địa phương bố trí trực liên thôn 24/24, cử người trực ở các ngầm tràn, nhất là tại các tỉnh trong khu vực Đông Bắc, Tây Bắc, thông báo cho bà con những địa điểm có nguy cơ sạt lở và yêu cầu bà con di dời.
Mặc dù hiện nay các hồ chứa ở phía Bắc cơ bản an toàn, nhiều hồ thuỷ lợi chưa tích đủ nước nhưng Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp yêu cầu các địa phương không được chủ quan. Ngoài ra, thông báo đến người dân, các địa phương chủ động đề phòng những điểm có nguy cơ ngập úng.