Xử lý rác thải là vấn đề nhức nhối của Hà Nội từ nhiều năm nay. Không chỉ gặp vướng mắc trong việc triển khai mô hình xử lý rác thải, nhất là rác thải sinh hoạt, các bãi chôn lấp đã kín, ô nhiễm môi trường, nhà máy quá tải. Từ câu chuyện cụ thể của Hà Nội, chuyên gia môi trường cho rằng, nếu không quyết liệt tháo gỡ vướng mắc, rác thải sẽ tiếp tục là một nguy cơ lớn đe dọa môi trường và cả sự phát triển bền vững của đô thị.
Bãi rác Nam Sơn bị chặn khiến nhiều nơi trong nội thành ùn ứ rác thải ngày 26.10. Ảnh: Phạm Đông
Mòn mỏi chờ ngày được giải quyết
Liên quan đến sự việc người dân các xã Nam Sơn, Hồng Kỳ tiếp tục chặn xe rác vào bãi Nam Sơn (Sóc Sơn, Hà Nội), theo ghi nhận của Lao Động, đến chiều 26.10, người dân các xã trên vẫn tiếp tục không cho xe vận chuyển rác ra vào. Đây là ngày thứ 4 người dân căng lều bạt chặn xe chở rác tại 2 cổng không cho vào Khu Liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn.
Ông Đỗ Phương Bột (65 tuổi, người dân xóm Hòa Bình, thôn 2, xã Hồng Kỳ, huyện Sóc Sơn cho biết, nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do người dân bức xúc vấn đề ô nhiễm môi trường ngày càng tăng từ khu vực bãi rác Nam Sơn. Trong đó các xe chở rác bị ùn ứ, đỗ hàng dài ngoài đường làm rò, rỉ nước rác bốc mùi hôi thối dọc từ đường 35 đi Bắc Sơn. Việc đổ rác trong bãi lên quá cao, nguy cơ gây mất an toàn cho nhân dân.
Theo ông Bột, các hộ dân của xã Nam Sơn và Hồng Kỳ rất bức xúc về tiến độ giải phóng mặt bằng dự án di dân vùng ảnh hưởng môi trường khu Liên hiệp xử lý chất thải Sóc Sơn (bán kính 500m từ hàng rào xử lý chưa đảm bảo tiến độ). Không những vậy, bãi rác Nam Sơn thuộc khu liên hợp xử lý rác thải Sóc Sơn đã quá tải, hạn vận hành bãi rác là 20 năm nhưng đến nay đã 21 năm.
Hiện tại, một số nhà dân chỉ cách bãi rác 100m khiến cuộc sống ngày càng khổ cực vì ô nhiễm môi trường. Thời gian gần đây mùi từ bãi rác bốc ra với bán kính xa, ảnh hưởng đến cả thị trấn Sóc Sơn khiến người dân rất bức xúc.
Gia đình ông Bột có 7 xào ruộng với giá 180 triệu đồng 1 xào đã được thanh toán. Tuy nhiên gia đình ông hiện còn 400m đất sổ đỏ, 800m đất vườn (đất liền kề) vẫn chưa được giải quyết. Cùng chung kiến nghị, bà N.T.C (thôn 2, xã Hồng Kỳ) cho biết thêm về vấn đề tiền bồi thường giải phòng cũng cần được xem xét cho hợp lý với tiền tái định cư đối với các hộ dân.
Cấp bách xử lý rác thải
Trao đổi với Lao Động, ông Trần Ngọc Hà - Chủ tịch UBND xã Hồng Kỳ cho biết, tất cả xuất phát điểm người dân kéo ra chặn xe không cho chở vào bãi rác Nam Sơn đều có gốc là từ vấn đề môi trường. Diện tích bãi rác đến nay đã mở rộng nhiều lần tuy nhiên số lượng rác ngày một tăng. Hiện tại, xã đang phối hợp với huyện tiếp tục biện pháp tuyên truyền vận động đến từng người dân, đồng thời bảo vệ để nhà máy xử lý rác vận hành thông suốt, bảo đảm môi trường của thành phố.
Trước tình hình người dân xã Hồng Kỳ, huyện Sóc Sơn chặn xe chở rác vào bãi rác Nam Sơn, ngày 26.10, ông Đồng Phước An - Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, đơn vị đã có văn bản phân luồng rác tạm thời, tránh gây ô nhiễm môi trường.
Theo đó các quận, Hoàn Kiếm, Ba Đình lưu chứa tạm về Khu xử lý chất thải Cầu Diễn. Các quận Hoàng Mai, Long Biên lưu trữ 100% tại các điểm tập kết trên địa bàn. Các quận Hà Đông, Bắc Từ Liêm lưu trữ 50% khối lượng tại các điểm tập kết trên địa bàn, 50% khối lượng còn lại chuyển về Khu xử lý chất thải Xuân Sơn.
Hiện bãi rác Nam Sơn đã được che phủ bạt một phần để tránh mùi hôi thối bốc lên
Quận Thanh Xuân vận chuyển về Nhà máy đốt do Hợp tác xã Thành Công quản lý. Các quận còn lại (Hai Bà Trưng, Đống Đa, Tây Hồ, Cầu Giấy, Nam Từ Liêm) chuyển về Khu xử lý chất thải rắn Xuân Sơn cho đến khi có thông báo mới. Các huyện Đông Anh, Sóc Sơn, Mê Linh, Gia Lâm, Thanh Trì chủ động phương án lu chứa tại các điểm tập kết trên địa bàn.
Tiếp đó, UBND các quận, huyện, thị xã chỉ đạo đơn vị Nói về giải pháp cho vấn đề rác thải của Hà Nội, GS.TSKH Phạm Ngọc Đăng - Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam cho biết, từ sự cố tại bãi rác Nam Sơn cho thấy một số điểm bất cập từ cơ quan chức năng. Trong đó biện pháp dự phòng để kịp thời ứng phó khi có sự cố ô nhiễm môi trường, ô nhiễm không khí xảy ra là chưa cao.
Ngoài ra, ông Đăng cũng cho rằng, Hà Nội cần chủ động, tích cực thực hiện các giải pháp đồng bộ như phương hướng quy hoạch bãi rác, xử lý sự cố. Hà Nội cũng cần có thêm những bãi rác vệ tinh...
Liên quan đến việc xử lý vụ việc bãi rác Nam Sơn, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ đề nghị trong thời gian ngắn nhất vận động, tuyên truyền, thuyết phục người dân tự giác bỏ chặn xe rác vào khu vực bãi rác Nam Sơn. Còn những trường hợp lợi dụng tình hình, lôi kéo, xúi giục cố tình gây rối phải xử lý nghiêm. Các cơ quan thanh tra, công an phải vào cuộc, xử lý nghiêm việc vi phạm hợp đồng như trong hợp đồng ghi rõ phải ép nước rác trước khi vận chuyển nhưng không làm; không phủ bạt xe chở rác... Yêu cầu các sở, ngành liên quan phối hợp kiểm tra, xử phạt nghiêm việc vận chuyển, vận hành xe chở rác.