Chi hội phụ nữ 33, phường Hoà Thuận Tây (quận Hải Châu) nhộn nhịp trong ngày thu gom rác thải tái chế
Cứ đến cuối tuần, trong xóm nhỏ của Chi hội phụ nữ 33, phường Hoà Thuận Tây (quận Hải Châu) lại nhộn nhịp tiếng cười nói của các chị em đi tập kết rác thải tái chế. Nào là bìa các-ton, giấy, báo, chai lon các loại… được các chị thu gom hàng ngày tại gia đình và đến ngày tập trung rác thải tái chế các chị lại cùng nhau mang số rác thu gom được trong một tuần đến điểm tập kết ở trong phường.
Mỗi khi thu gom các chị đã phân loại sẵn các loại rác ngay tại nguồn và hai tuần một lần mọi người mang đến điểm tập kết để bán cho chai bao. Số tiền thu được từ rác tái chế được chi hội phụ nữ 33 sử dụng làm quỹ an sinh xã hội, trong đó có hỗ trợ cho trẻ em nghèo trong chi hội đi học đầu năm. Đây là phong trào thường xuyên được tổ chức của tất cả 45 chi hội phụ nữ trên địa bàn phường Hoà Thuận Tây.
Số rác tái chế đã được các hội viên phân loại tại nguồn và sẵn sàng cho chai bao thu mua
Trung bình mỗi đợt thu gom các chị có thể thu về từ 6 đến 10 triệu đồng. Trong năm học mới học 2020 - 2021, phường Hòa Thuận Tây đã trao 67 suất học bổng “Ước mơ xanh”, mỗi suất từ 500 - 800 nghìn đồng cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn, có học lực khá trở lên.
Với mục đích nhằm vận động cán bộ hội viên phụ nữ thực hiện công tác phân loại rác bảo vệ môi trường đồng thời từ nguồn rác thải tái chế các chi hội bán gây quỹ giúp học sinh có hoàn cảnh khó khăn trong khu dân cư có điều kiện đến trường. Quỹ học bổng “Ước mơ xanh” được phát động 13/13 Chi hội Phụ nữ của quận Hải Châu từ năm 2011 đến nay, trong 09 năm qua các cấp hội đã trao cho 3.599 xuất học bổng với số tiền trên 2 tỷ đồng, với tiêu chí mỗi chi hội trao ít nhất 01 xuất học bổng cho con em phụ nữ khó khăn tại chi hội với số tiền từ 500.000đ.
Em Hải Anh (sống tại tổ 33 phường Hòa Thuận Tây) năm nay em đang học lớp 11, trường THPT Nguyễn Hiền. Gia đình em có 3 người gồm mẹ, em và em trai, cả nhà đang phải sống trong căn nhà thuê, nguồn thu nhập phụ thuộc một mình mẹ. Bước vào năm học mới, mẹ em phải tất bật đủ khoản chi tiêu cho 2 chị em. Đầu tháng 9, em được quỹ ước mơ xanh của phường hỗ trợ một suất học bổng trị giá 500 ngàn đồng và vở mới, đồ dùng học tập.
Số tiền thu gom từ rác thải tái chế đều dùng để giúp đỡ các em có hoàn cảnh khó khăn
Hải Anh cho biết, mặc dù gia đình em khó khăn nhưng mẹ em vẫn cố gắng cho 2 chị em ăn học, mấy năm vừa qua, năm nào em cũng được các cô trong phường hỗ trợ học bổng và thường xuyên động viên hai chị em con. Nhận được tấm lòng của các cô và thấy mẹ vất vả mỗi ngày em luôn tự nhủ mình phải cố gắng học tốt để sau này có thể đỡ đần mẹ và không phụ lòng mọi người.
Bà Hồ Thị Huệ, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ quận Hải Châu, TP. Đà Nẵng cho biết, đây là một hoạt động rất thiết thực được sự ủng hộ của đông đảo hội viên phụ nữ và nhân dân trong các khu dân cư nhằm nâng cao ý thức bảo vệ, sống thân thiện với môi trường, với thiên nhiên và xây dựng nếp sống văn hoá, văn minh đô thị, trong các tầng lớp hội viên phụ nữ. Mô hình này có quy mô nhỏ nhưng mang ý nghĩa lớn về nhiều mặt, vừa giúp đỡ được các em học sinh, vừa góp phần bảo vệ môi trường và hình thành thói quen phân loại rác tại nguồn trong các gia đình. Với những giá trị thiết thực đó mô hình đã có sức lan tỏa trong cộng đồng.
Trong năm học mới học 2020 - 2021, phường Hòa Thuận Tây đã trao 67 suất học bổng “Ước mơ xanh” cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn, có học lực khá trở lên
Chị cho biết thêm, năm 2020 song song với việc tiếp tục duy trì học bổng “Ước mơ xanh” và hành trình “Chắp cánh ước mơ”, Hội LHPN quận và các phường cùng các chi hội chia sẻ hỗ trợ các nhu yếu phẩm thiết yếu với các hộ gia đình các em bị ảnh hưởng do dịch bệnh Covid-19 gây ra, với số tiền gần 500 triệu đồng, hỗ trợ cho 620 em và gia đình từ nguồn thu gom, phân loại rác thải tại nguồn của các chi hội được duy trì qua nhiều năm và các mạnh thường quân đã ủng hộ.
Trong thời gian tới, học bổng “Ước mơ xanh” sẽ được các cấp hội phụ nữ quận Hải Châu duy trì và phát động mạnh mẽ hơn. Cố gắng phấn đấu mỗi phường hỗ trợ một em đặc biệt khó khăn 10 triệu đồng/năm để các em không bỏ lỡ việc học giữa chừng.