Nói về thùng rác công cộng thông minh, Yên cho hay, một lần tới thăm bạn bị ốm ở Bệnh viện Đa khoa Hà Tĩnh, thấy nhiều người vứt rác bừa bãi, ảnh hưởng tới môi trường, cậu đã nung nấu ý tưởng sáng chế ra thùng rác có thể phát ra tiếng nói đặt ở hành lang bệnh viện, trường học, công sở. Về nhà, Yên lên mạng tìm tài liệu, đồng thời chia sẻ ý tưởng với thầy chủ nhiệm, bạn bè nhờ giúp sức.
Sau ba tháng mày mò nghiên cứu, cuối cùng chàng trai đã thiết kế xong các hệ thống để phát ra âm thanh. “Thùng rác sử dụng đèn Led để gây sự chú ý. Khi mọi người bỏ rác vào, thùng sẽ tự động phát ra âm thanh Cảm ơn mọi người đã cho tôi rác. Khi không ai bỏ rác, cứ vài phút nó sẽ phát âm thanh Vì môi trường xanh, sạch đẹp, xin quý khách hãy bỏ rác vào đúng nơi quy định”, Yên nói.
Mô hình thùng rác thông minh do Yên sáng chế đã giành giải nhất cuộc thi sáng tạo khoa học kỹ thuật thanh thiếu niên Hà Tĩnh.
Thùng rác thông minh do Yên sáng tạo có kết cấu khá đơn giản. Đó là chiếc thùng nhựa bình thường, cao 50 cm, rộng 25 cm, xung quanh được gắn các hệ thống ắc quy, điện và vi mạch. Mặt trước thùng được gắn đèn nháy với dòng chữ nhấp nháy “Xin cho tôi rác”. Điểm nhấn chính là âm thanh tự động, cứ khoảng vài chục giây lại phát ra một lần để gây sự chú ý với mọi người.
Sản phẩm của Yên dùng hệ thống cảm biến với nguồn điện ắc quy 24 V, có thể sạc và sử dụng được nhiều giờ. Toàn bộ chi phí mua thùng rác, bảng điện tử, dây nối, thiết kế ước tính 1,5 triệu đồng.
Học sinh lớp 11 “chế” thùng rác “biết nói”
Đây là sản phẩm của nhóm học sinh lớp 11 Trường THPT Phan Châu Trinh, Đà Nẵng vừa nghiên cứu thành công “thùng rác thông minh” nhằm nâng cao ý thức bảo vệ môi trường cho cộng đồng.
Ý tưởng tạo sản phẩm bắt nguồn từ việc hằng ngày các thành viên phải chứng kiến cảnh mọi người vứt rác ngay cạnh thùng rác và “vô tư” tiện đâu vứt đó với các thùng rác đã phân loại.
“Điều này không chỉ gây mất mĩ quan đô thị mà còn gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng sau này như ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến biến đổi khí hậu toàn cầu” - Lê Đình Duy, thành viên nhóm nói.
Từ đó, Duy và ba bạn khác cùng mày mò nghiên cứu chiếc máy để nhắc nhở mọi người đổ rác đúng quy định. Sau bốn tháng với không ít lần thất bại, nhóm đã thành công. Sản phẩm hoạt động nhờ máy mp3, cảm biến phát hiện vật thể, cảm biến siêu âm và một vài thiết bị khác.
Thùng rác được thiết kế đơn giản, hiện đại với hai thùng chứa rác, một bên đựng rác vô cơ, bên còn lại là rác hữu cơ. Khi nối nguồn điện vào thiết bị, hệ thống điện tử sẽ tự động được kích hoạt. Lúc này, người đi ngang qua ở khoảng cách từ một mét trở lên sẽ nghe được âm thanh phát ra từ thùng rác “Hãy giữ gìn vệ sinh vì một môi trường sạch đẹp”.
Còn khi có người đến bỏ rác, ở khoảng cách 20 cm nắp thùng sẽ tự mở và phát câu lệnh hướng dẫn: “Màu xanh là rác hữu cơ, màu đỏ là rác vô cơ, hãy bỏ đúng theo hướng dẫn các bạn nhé”.
Trong thời gian này, nếu mọi người không bỏ rác, hoặc bỏ rác ra ngoài, nó sẽ phát lệnh: “Đề nghị bạn bỏ rác vào thùng”.
Khi rác được bỏ vào thùng, thiết bị sẽ nói: “Cảm ơn bạn”. Nếu ai đó đến gần mà không cho rác vào thùng, máy sẽ nói “Cho tôi xin rác”.
Thùng rác thông minh của cậu học trò 15 tuổi
Sau một lần vô tình lên mạng đọc được bài báo về văn hóa phân loại rác trước khi bỏ vào 2 thùng rác vô cơ và hữu cơ ở TP. HCM. Nhận thấy việc phân loại sẽ giúp xử lý rác thải một cách dễ dàng, hạn chế ô nhiễm môi trường, Khải bắt tay vào chế tạo “Thùng rác thông minh”.
Trong hơn ba tháng, với sự giúp đỡ, hướng dẫn của thầy Trà Lam Khôi (Giáo viên Mỹ thuật), Khải cho ra đời thùng rác thông minh tự động nhắc nhở người bỏ rác vào đúng thùng phân loại và đúng nơi quy định. Thùng đựng rác vô cơ màu đỏ, thùng đựng rác hữu cơ màu xanh. Điều đặc biệt là thùng được lắp bộ phận cảm ứng hồng ngoại, có thể bắt được thân nhiệt con người trên 36 độ C.
“Khi người đến gần, thùng rác sẽ tự động chớp đèn Led, sau đó phát ra âm thanh: Chào các bạn đến với thùng rác thông minh. Các bạn chú ý, thùng màu đỏ bên trái là bỏ rác vô cơ, thùng màu xanh lá cây bên phải là để bỏ rác hữu cơ. Hãy bỏ rác đúng nơi quy định nhé. Cảm ơn các bạn. Âm thanh này lặp lại 3 lần trong vòng 45 giây”- Khải chia sẻ.
Sản phẩm thùng rác thông minh của Khải sử dụng điện nguồn 220V, với các bộ phận công tắc, bộ cảm ứng hồng ngoại, biến thế (220V – 12V), mạch điều khiển đèn Led, máy MP3, hai bộ đèn Led và loa. Để hoàn thiện sản phẩm, Khải mày mò nghiên cứu từng khâu một, từ thiết kế hình dáng cho tới cách bắt đèn.