Nhiều năm qua, cứ đến mùa nắng là người dân sống gần bãi rác Khánh Sơn (quận Liên Chiểu) phải "sống chung" với mùi hôi thối. Những cơn gió từ biển thổi vào kéo theo mùi hôi thối ở bãi rác, xộc vào nhà dân.
Tại buổi tiếp xúc cử tri quận Liên Chiểu ngày 26/6, nhiều cử tri phường Hòa Khánh Nam bức xúc về tình trạng ô nhiễm môi trường kéo dài hơn 10 năm nhưng chính quyền sở tại chưa xử lý triệt để.
Bãi rác Khánh Sơn sắp quá tải. Ảnh: Đoàn Nguyên.
"Ngày nắng thì mùi hôi thối bốc lên nồng nặc, còn mùa mưa thì nước đen ngòm rỉ ra từ bãi rác, chảy xuống khu dân cư. Chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị nhưng chính quyền cứ hứa rồi để đó", bà Nguyễn Thị Lan ở quận Liên Chiểu bức xúc nói.
Ông Tô Văn Hùng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP Đà Nẵng thừa nhận tình trạng ô nhiễm tại bãi rác Khánh Sơn đã tồn tại hơn chục năm. Bãi Khánh Sơn đang chứa 3,2 triệu tấn rác các loại. Bình quân mỗi ngày toàn TP có 1.100 tấn rác, chưa tính rác thải y tế, công nghiệp.
Thành phố cũng đã nhiều lần đối thoại với người dân để tìm cách tháo gỡ khó khăn, nhưng quỹ đất có hạn nên việc di dời dân là không khả thi. Mới đây, Công ty CP Môi trường Việt Nam đề xuất xây dựng nhà máy đốt rác thành điện năng ở khu vực Khánh Sơn.
Lãnh đạo Sở Tài Nguyên và Môi trường cùng người dân tham quan nhà máy đốt rác tại Cần Thơ. Ảnh: Nguyên Vũ.
Theo ông Hùng, nếu dự án trên hoàn thành, địa phương sẽ cơ bản giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường tại Khánh Sơn.
Theo trình bày của Công ty CP Môi trường Việt Nam, nhà máy xử lý rác thải bằng công nghệ đốt có số vốn
80 triệu USD, công suất xử lý rác đạt 650 tấn/ngày.
Nhà máy sẽ được khởi công vào cuối năm 2019, đi vào hoạt động vào đầu năm 2021. Toàn bộ rác thải sinh hoạt sẽ được đưa vào hố rác để ủ khoảng 5-7 ngày để tách nước rỉ và giảm độ ẩm. Sau đó, rác được đưa vào bộ phận sấy khô rồi chuyển qua lò đốt ở nhiệt độ khoảng 1.000 độ C.
Dựa vào sức nóng của lò đốt, nước bốc hơi làm quay tuabin, phát điện. Theo thiết kế, nếu đốt đủ 800 tấn rác thì mỗi ngày có khoảng 300.000 kWh điện. Trong đó, nhà máy sử dụng 20% điện năng, số còn lại sẽ bán cho công ty điện lực.
Các kỹ sư đang điều khiển hệ thống đưa rác vào lò tại nhà máy đốt rác Cần Thơ. Ảnh: Nguyên Vũ.
hần tro xỉ được lấy ra khỏi lò (với tỉ lệ khoảng 17% tổng khối lượng rác đem đốt) được trộn thêm cát, xi măng, phụ gia để sản xuất gạch không nung...
Nước rỉ được xử lý đạt chuẩn, tái sử dụng làm mát lò đốt. Khí thải được xử lý bằng hệ thống khử axít, lọc bụi túi vải, than hoạt tính và được quan trắc liên tục các thông số về khói bụi đạt chuẩn châu Âu.
Ông Nguyễn Văn Tuấn, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Môi trường Việt Nam cho biết công nghệ đốt rác đã được nhiều nước trên thế giới áp dụng. Năm 2018, Tập đoàn EverBright International đã xây dựng một nhà máy đốt rác tại TP Cần Thơ và đang phát huy hiệu quả cao trong việc xử lý rác thải.