Mang tên “Bống - Goby” là mô hình ăn rác thải nhựa ở bãi biển đầu tiên tại TP Đà Nẵng được thực hiện từ Ban quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng cùng nhóm tình nguyện viên.
Ý tưởng trên được cô Sarah Field - một người nước ngoài dạy tiếng Anh tại Đà Nẵng đề xuất thực hiện dự án Bống với thông điệp “Hãy cho Bống ăn rác thải nhựa chứ không phải đại dương!”. Sau khi trình bày, ý tưởng đã được Ban quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng ủng hộ và hỗ trợ triển khai.
Cá Bống được làm chủ yếu từ tre, lá cọ, vừa thân thiện với môi trường, vừa góp phần khuyến khích người đi biển bỏ rác thải nhựa vào cá. Để thực hiện dự án này, nhóm tình nguyện đã mất khoảng hai tháng với chi phí khoảng bảy triệu đồng từ nguồn xã hội hóa. Đây được xem là ý tưởng mới nhất được ngành du lịch địa phương và những tình nguyện viên yêu biển thực hiện nhằm kêu gọi cộng đồng
bảo vệ môi trường.
Ông Nguyễn Đức Vũ, Trưởng Ban quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng cho biết: Ban quản lý muốn để Bống nằm ở đây hai đến ba tháng để xem phản ứng của người dân, du khách như thế nào. Sau khi ghi nhận hiệu quả của dự án hoặc các vấn đề cần khắc phục, Ban quản lý và nhóm tình nguyện sẽ có thêm sản phẩm khác nằm trên các bãi biển Đà Nẵng, như là Rùa hay Cá voi.
Người dân và du khách thích thú với chú cá Bống giữa bãi biển.
Chị Trần Ngọc Ánh (Đà Nẵng) thích thú chia sẻ: Tôi thường xuyên ra các bãi biển để chơi và cũng thường sử dụng nước uống tại đây. Nên khi thấy chú cá Bống này tôi rất thích, thậm chí khi có chai nhựa đã dùng xong sau khi chơi ở biển tôi cũng muốn mang đến cho Bống, một ý tưởng rất hay.
Trung bình mỗi ngày, các bãi biển ở đây thu hút từ 5-7 nghìn người đến dạo chơi và tắm biển. Những ngày lễ hội con số này xấp xỉ 10 nghìn người. Với số lượng khách như vậy đi kèm theo đó lượng rác thải ra môi trường, chủ yếu là rác thải nhựa và túi ni-lông nhưng chưa có sự
phân loại rác, gây khó khăn trong việc xử lý. Với dự án này, không chỉ hưởng ứng tích cực phong trào “chống rác thải nhựa” hiện nay, mà còn tạo sự hào hứng, khuyến khích người dân trong việc phân loại rác thải sau khi sử dụng, và tăng cường sử dụng vật liệu thân thiện với thiên nhiên.